Hiện nay, việc áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử của Tòa án đã không còn xa lạ và trở nên ngày càng nhiều. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ án lệ là gì và giá trị pháp lý của án lệ như thế nào. Để có thể áp dụng án lệ thì cơ quan xét xử phải tuân thủ những nguyên tắc chặt chẽ mà pháp luật đặt ra. Việt Nam đã ban hành nhiều tuyển tập án lệ. Để hiểu rõ hơn về những tuyển tập án lệ này, mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết dưới đây
ÁN LỆ LÀ GÌ?
Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG ÁN LỆ TRONG XÉT XỬ
1) Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc được ghi trong quyết định công bố án lệ của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
2) Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau. Trường hợp áp dụng án lệ thì số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của Toà án; trường hợp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Toà án.
3) Trường hợp do có sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ.
4) Trường hợp do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ, đồng thời phải kiến nghị ngay với Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để xem xét hủy bỏ theo hướng dẫn tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 9 Nghị quyết này.
Việc án lệ được áp dụng trong xét xử sẽ góp phần tích cực trong việc đảm bảo xét xử công bằng các vụ án có tính chất tương tự nhau, rà soát những sai phạm trong xét xử các vụ án và đem lại sự công bằng cho xã hội.
Quy định về các án lệ
Các án lệ được sử dụng trong những vụ án có tình tiết và sự kiện pháp lý giống nhau để thống nhất giải quyết vụ án đúng pháp luật. Đây cũng là những vụ án được Tòa án nhân dân tối cao chọn lọc qua các quy trình xét duyệt để trở thành vụ án mẫu mực, áp dụng cho các thẩm phán giải quyết những vụ án có tình tiết tương tự.
Tuyển tập án lệ
Tính đến thời điểm tại Việt Nam đã có tổng 29 án lệ được công bố, áp dụng. Theo đó, bao gồm:
Tại Quyết định 220/QĐ-CA năm 2016, Tòa án nhân dân tối cao, đã công bố 06 (sáu) án lệ. Các án lệ cụ thể là:
– Án lệ số 01/2016/AL về vụ án “Giết người”
– Án lệ số 02/2016/AL về vụ án “Tranh chấp đòi lại tài sản”
– Án lệ số 03/2016/AL về vụ án “Ly hôn”
– Án lệ số 04/2016/AL về vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”
– Án lệ số 05/2016/AL về vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế”
– Án lệ số 06/2016/AL về vụ án “Tranh chấp thừa kế”
Tại Quyết định 698/QĐ-CA năm 2016, Tòa án nhân dân tối cao, đã công bố thêm 04 (bốn) án lệ mới.
– Án lệ số 07/2016/AL về công nhận hợp đồng mua bán nhà được xác lập trước ngày 01/7/1991.
– Án lệ số 08/2016/AL về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm
– Án lệ số 09/2016/AL về xác định lãi suất hnợ quá hạn trung bình trên thị trường và việc trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại
– Án lệ số 10/2016/AL về quyết định hành chính là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính
Tại Quyết định 299/QĐ-CA năm 2017 Tòa án nhân dân tối cao đã thông qua thêm 06 (sáu) án lệ, cụ thể bao gồm:
– Án lệ số 11/2017/AL về công nhận hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất mà trên đó đất có tài sản không thuộc sở hữu của bên thế chấp.
– Án lệ số 12/2017/AL về xác định trường hợp đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất sau khi Tòa án đã hoãn phiên tòa.
– Án lệ số 13/2017/AL về hiệu lực thanh toán của thư tín dụng (L/C) trong trường hợp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là cơ sở của L/C bị hủy bỏ.
– Án lệ số 14/2017/AL về công nhận điều kiện hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất mà điều kiện đó không được ghi nhận trong hợp đồng.
– Án lệ số 15/2017/AL về công nhận thỏa thuận miệng của các đương sự trong việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp.
– Án lệ số 16/2017/AL về công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế do một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng.
Tại Quyết định 269/QĐ-CA năm 2019, Tòa án nhân dân tối cao đã công bố thêm 10 (mười) án lệ, cụ thể bao gồm:
– Án lệ số 17/2018/AL về tình tiết “Có tính chất côn đồ” trong tội “Giết người” có đồng phạm.
– Án lệ số 18/2018/AL về hành vi giết người đang thi hành công vụ trong tội “Giết người”.
– Án lệ số 19/2018/AL về xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong tội “Tham ô tài sản”
– Án lệ số 20/2018/AL về xác lập quan hệ hợp đồng lao động sau khi hết thời gian thử việc.
– Án lệ số 21/2018/AL về lỗi và thiệt hại trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê tài sản.
– Án lệ số 22/2018/AL về không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tình trạng bệnh lý trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
– Án lệ số 23/2018/AL về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm do lỗi của doanh nghiệp bảo hiểm.
– Án lệ số 24/2018/AL về di sản thừa kế chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân.
– Án lệ số 25/2018/AL về không phải chịu phạt cọc vì lý do khách quan.
– Án lệ số 26/2018/AL về xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu và thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản
Mới đây, tại Quyết định 293/QĐ-CA năm 2019, Tòa án nhân nhân tối cao đã công bố thêm 03(ba) án lệ (03 án lệ này chính thức được áp dụng vào xét xử kể từ ngày 10/10/2019), bao gồm:
– Án lệ số 29/2019/AL về tài sản bị chiếm đoạt trong tội “Cướp tài sản”.
– Án lệ số 28/2019/AL về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.
– Án lệ số 27/2019/AL về thụ lý, giải quyết vụ án hành chính liên quan đến nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01/7/1991.
**Lưu ý: Các Tòa án nhân dân và các Tòa án quân sự có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng các án lệ trong xét xử và việc áp dụng án lệ được thực hiện theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
Thời gian được phép áp dụng các tuyển tập án lệ trong xét xử:
Từ Trước ngày 15/7/2019: Thời gian được phép áp dụng án lệ trong xét xử 45 ngày từ ngày công bố hoặc được ghi trong quyết định công bố án lệ của Chánh án Toà án nhân dân tối cao
Từ ngày 15/7/2019:Thời gian được phép áp dụng án lệ trong xét xử 30 ngày kể từ ngày được công bố.
Quy trình lựa chọn các án lệ trong tuyển tập án lệ hiện nay:
Án lệ được hình thành theo quy trình sau:
Bước 1: Đề xuất bản án, quyết định để phát triển thành án lệ
Cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể gửi đề xuất bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí lựa chọn án lệ cho Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ.
Các Tòa án có trách nhiệm tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mình chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí lựa chọn án lệ và gửi cho Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ.
Bước 2: Lấy ý kiến đối với bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ
Bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là án lệ, dự thảo án lệ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao để các Tòa án, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, cá nhân, cơ quan, tổ chức quan tâm tham gia ý kiến trong thời hạn 30 ngày. Đối với các trường hợp bản án, quyết định do Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao đề xuất hoặc được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm thì việc lấy ý kiến là không bắt buộc.
Trên cơ sở kết quả lấy ý kiến rộng rãi đối với các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là án lệ, dự thảo án lệ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ.
Bước 3: Thành lập Hội đồng tư vấn án lệ
Hội đồng tư vấn án lệ do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thành lập gồm có ít nhất 09 thành viên. Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch Hội đồng khoa học Tòa án nhân dân tối cao, 01 Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Tòa án nhân dân tối cao, các thành viên khác là đại diện Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia về pháp luật và 01 đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao (đồng thời là Thư ký Hội đồng).
Trường hợp tư vấn án lệ về hình sự thì thành phần của Hội đồng tư vấn án lệ phải có đại diện Cơ quan điều tra của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Bước 4: Lấy ý kiến Hội đồng tư vấn án lệ
Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, Hội đồng tư vấn án lệ có trách nhiệm thảo luận cho ý kiến đối với các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là án lệ, dự thảo án lệ.
Việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ được thực hiện thông qua phiên họp thảo luận trực tiếp hoặc bằng văn bản. Chủ tịch Hội đồng tư vấn án lệ quyết định phương thức lấy ý kiến của các thành viên Hội đồng và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kết quả tư vấn.
Bước 5: Thông qua án lệ
Sau khi các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ được lấy ý kiến theo hướng dẫn tại Điều 4 và Điều 5 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để thảo luận, biểu quyết thông qua án lệ.
Trường hợp án lệ được phát triển từ bản án, quyết định do Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao đề xuất hoặc được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, quy trình lựa chọn, thông qua án lệ được rút gọn theo hướng Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét thông qua án lệ mà không nhất thiết phải qua các bước lấy ý kiến theo hướng dẫn tại Điều 4 và Điều 5 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP.
Phiên họp lựa chọn, thông qua án lệ của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành. Kết quả biểu quyết phải được ghi vào biên bản phiên họp lựa chọn, thông qua án lệ của Hội đồng Thẩm phán và là căn cứ để Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố án lệ.
Bước 6: Công bố án lệ
Trên cơ sở kết quả biểu quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc thông qua án lệ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố án lệ.
Nội dung của án lệ được công bố bao gồm: Số, tên án lệ; số, tên bản án, quyết định của Tòa án có nội dung được phát triển thành án lệ; tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý của án lệ; quy định của pháp luật có liên quan đến án lệ; từ khoá về những tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ; các tình tiết trong vụ án và phán quyết của Tòa án có liên quan đến án lệ; nội dung của án lệ.
Trên đây là các quy định về tuyển tập án lệ. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu về tuyển tập án lệ và những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm.