Hộ kinh doanh cá thể là gì? Hộ kinh doanh cá thể đóng loại thuế gì? Hộ kinh doanh cá thể đăng ký ngành nghề kinh doanh gì? Được phép sử dụng bao nhiêu lao động?
Đăng ký kinh doanh hộ cá thể ở đâu? Thủ tục đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể là ra sao? Những điều cần biết khi thành lập hộ kinh doanh cá thể là gì?
Ai cần phải đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể? Chắc hẳn bạn cũng có những thắc mắc như trên? Dưới đây là bài viết của Tư vấn Luật Loan Loan về nội dung thành lập hộ kinh doanh cá thể mới nhất theo quy định của pháp luật, mời bạn đọc theo dõi.
Căn cứ pháp lý
Nghị định số: 78/2015/NĐ-CP;
Nghị định số: 108/2018/NĐ-CP.
Thành lập hộ kinh doanh cá thể là gì?
Hộ kinh doanh cá thể do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký hộ kinh doanh cá thể tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
Hộ kinh doanh có sử dụng từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định.
Chủ thể đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể?
Cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ có thể đăng ký hộ kinh doanh cá thể. Một nhóm người hoặc một hộ gia đình cũng có thể đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể.
Những người đang đứng tên thành lập hộ kinh doanh cá thể rồi thì không thể đứng tên thành lập hộ kinh doanh cá thể thứ 2. Hoặc đang đứng tên thành lập doanh nghiệp tư nhân rồi thì không được thành lập hộ kinh doanh cá thể.
Đặc điểm của hộ kinh doanh cá thể
Từ quy định nêu trên tại Điều 66 của Nghị định 78/2015/NĐ-CP, có thể rút ra một số đặc điểm của hộ kinh doanh cá thể như sau:
Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân như đa phần các loại hình doanh nghiệp khác;
Đăng ký hộ kinh doanh cá thể là hộ gia đình hoặc cá nhân, nhưng các thành viên của hộ kinh doanh đều là người Việt Nam;
Hộ kinh doanh chỉ được phép kinh doanh tại một địa điểm;
Hộ kinh doanh chỉ được phép sử dụng không quá 10 lao động.
Điều kiện hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể
Theo khoản 2 Điều 71 của Nghị định 78/2015/NĐ-CP, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh chỉ được cấp cho hộ kinh doanh đáp ứng các điều kiện:
Ngành, nghề kinh doanh không thuộc Danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư;
Tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố: Hộ kinh doanh và tên riêng. Tên riêng không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục.
Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định. Theo Thông tư 176/2012/TT-BTC, lệ phí đăng ký kinh doanh cá thể hiện nay là 100.000 đồng/lần.
Hướng dẫn thủ tục hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể
Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh hộ cá thể được quy định cụ thể tại Điều 71 của Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
Thành phần hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh :
Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh
Giấy này phải có các nội dung như: Tên hộ kinh doanh; địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại; email; Ngành, nghề kinh doanh; Số vốn kinh doanh; Số lao động; Họ tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp CMND hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu của các cá nhân thành lập hộ…
Bản sao của Thẻ căn cước công dân hoặc CMND hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình hoặc bản sao biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ nếu hộ do một nhóm cá nhân thành lập;
Nơi nộp hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể:
Sau khi chuẩn bị các loại giấy tờ nêu trên, cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình đến nộp tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.
Thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể
Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận/huyện trao giấy biên nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho HKD trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;
Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định tại Điều 73 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.
Nếu sau 3 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký HKD mà không nhận được giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký HKD thì người đăng ký thành lập hộ kinh doanh có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Định kỳ vào tuần thứ nhất hàng tháng, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi danh sách HKD đã đăng ký tháng trước cho cơ quan thuế cùng cấp, Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý ngành kinh tế – kỹ thuật cấp tỉnh.
Các lưu ý cần biết để tránh rủi ro trong thủ tục hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh
Đăng ký hộ kinh doanh cá thể khi nói khái quát thì đơn giản hơn thành lập doanh nghiệp vì nó ít gò bó ở một khuôn khổ nhất định.
Nhưng khi tiến hành quy trình gặp nhiều cản trở hơn. Bởi việc có khuôn khổ thì đã có văn bản quy định, còn không có khuôn khổ thì tùy thuộc vào yếu tố con người.
Điển hình như trong quá trình thành lập hộ kinh doanh, tùy cán bộ xử lý hồ sơ mà một số vấn đề sẽ có cách giải quyết khác nhau.
Như trong nghị định không hề quy định cấm đặt tên hộ kinh doanh bằng tiếng anh, nhưng đến UBND nào cũng vậy, tên tiếng anh sẽ không được chấp nhận. Không phải UBND nào cũng hướng dẫn cách sửa lại tên bằng cách thêm dấu chấm vào giữa các ký tự.
Dựa trên kinh nghiệm đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể cho hàng ngàn khách hàng từ bắc vào nam, chúng tôi lưu ý bạn 7 điều sau để đăng ký HKD cá thể thành công.
Những lưu ý này bao gồm
Lưu ý về đối tượng được đăng ký
Đối tượng được quyền đăng ký HKD có thể là cá nhân hoặc hộ gia đình. Cụ thể, một công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự thì có quyền được đứng tên trên giấy phép HKD của mình.
Hoặc các thành viên trong một gia đình, nhóm bạn… muốn cùng kinh doanh thì cũng có thể đăng ký thành lập HKD. Khi đó, người đứng tên trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ là người đại diện cho những người tham gia.
Một người chỉ đứng tên duy nhất một HKD, xét trên phạm vi cả nước. Nếu người này đã có HKD, mặc dù không kinh doanh từ rất lâu rồi nhưng HKD này vẫn chưa tiến hành giải thể thì người này không thể đứng tên trên HKD mới (muốn đăng ký HKD mới phải giải thể HKD cũ).
Lưu ý về cách đặt tên hộ kinh doanh
Cũng giống như thành lập doanh nghiệp, HKD cũng bắt buộc có tên riêng. Tên này đảm bảo các điều sau:
Đảm bảo 2 thành tố “Hộ kinh doanh + Tên riêng của hộ kinh doanh”.
Tên không bao gồm những cụm từ gây nhầm lẫn với loại hình doanh nghiệp: Không được thêm các thành tố “công ty”, “doanh nghiệp”; tên riêng của HKD không được trùng với tên riêng của những HKD khác trong phạm vi quận (huyện).
Không sử dụng tiếng anh để đặt tên cho HKD. Nếu sử dụng phải đảm bảo giữa các ký tự có dấu chấm đi kèm. Ví dụ: Hộ kinh doanh E.M.I.L.Y.
Thực tế, đối với các cửa hàng buôn bán tự phát (chưa thông qua việc đăng ký HKD) khi thực hiện thủ tục đăng ký HKD thì tên cửa hàng cũ có thể phải thay đổi hoặc không.
Thay đổi trong trường hợp tên cửa hàng đã được một HKD khác đăng ký trước và ngược lại, nếu tên cửa hàng chưa có HKD nào đăng ký thì bạn vẫn được quyền đăng ký tên đó. Để chắc chắn tên HKD của mình có được chấp thuận không thì khi nộp hồ sơ lên UBND quận/huyện sẽ rõ.
Lưu ý về địa điểm đăng ký kinh doanh
Một HKD cá thể chỉ được đặt tại một địa điểm duy nhất trên phạm vi toàn quốc và không được thành lập chi nhánh, địa điểm kinh doanh hay văn phòng đại diện như công ty.
Trường hợp địa chỉ này là nhà thuê hoặc mượn thì cần xác minh rõ tại địa chỉ này từ trước đến nay đã có ai thành lập HKD ở đây chưa? Nếu có thì họ đã giải thể HKD này chưa?
Để xác minh được điều này, cần yêu cầu chủ nhà lên UBND quận/huyện để hỏi. Trường hợp có HKD mà chưa giải thể thì chủ nhà có thể lên UBND quận yêu cầu giải thể HKD này với lý do chủ HKD đã bỏ đi và không còn hoạt động ở đây nữa.
Địa chỉ đăng ký HKD tuyệt đối không được là chung cư (trừ trường hợp hộ kinh doanh với mục đích cho thuê nhà để ở).
Địa chỉ đang nằm trong khu quy hoạch của nhà nước thì không được thành lập HKD.
Đối với một số ngành đặc biệt sẽ có các yêu cầu thêm sau:
Trường hợp đặc biệt hơn là khi thành lập hộ kinh doanh trong chợ, chợ này ở khu vực quận/huyện này có thể thành lập được nhưng ở khu vực quận/huyện kia thì không.
Hay mặt hàng này đăng ký ở sạp này được nhưng ở sạp khác thì không. Những điều này tùy thuộc vào đặc trưng cũng như cách bố trí của từng khu chợ.
Lưu ý về vốn điều lệ khi đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể
Hiện nay luật không quy định số vốn tối thiểu hay tối đa đối với HKD. Do vậy, đăng ký số vốn bao nhiêu là tùy thuộc khả năng của mỗi người và quy mô, ngành nghề người đăng ký hướng đến.
Tuy nhiên cần lưu ý: Việc chịu trách nhiệm về rủi ro của HKD là chịu trách nhiệm vô hạn (chịu trách nhiệm trên tất cả tài sản có được). Nên khi quyết định đăng ký HKD thì cần phải cân nhắc về tính rủi ro sau này.
Nếu việc kinh doanh không thuận lợi, bạn phải chịu trách nhiệm trên tất cả tài sản mình có chứ không chỉ là chịu trách nhiệm trên số vốn bạn đăng ký.
Ngoài ra, HKD cũng nên đăng ký vốn thấp, không nên đăng ký vốn cao vì cơ quan thuế sẽ dựa vào 3 điều kiện sau để áp mức thuế khoán hàng tháng cho HKD:
Vốn cao hay thấp.
Địa điểm kinh doanh này thuộc khu sầm uất, có địa thế thuận lợi, mặt tiền hay trong hẻm.
Mặt hàng của HKD này thuộc diện có khả năng tiêu thụ tốt hay không.
Lưu ý về số lượng lao động tối đa của hộ kinh doanh
Số lượng lao động tối đa mà HKD cá thể được phép sử dụng là từ 10 lao động trở xuống. Hộ kinh doanh có sử dụng thường xuyên hơn mười lao động phải chuyển đổi sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp để tránh bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm.
Lưu ý về ngành nghề đăng ký kinh doanh
HKD muốn kinh doanh ngành nào thì thể hiện trên tờ khai đăng ký, cơ quan đăng ký sẽ hướng dẫn cách thể hiện sao cho hợp lý nhất có thể.
Lưu ý về giấy tờ cần có để đăng ký hộ kinh doanh
Hợp đồng thuê nhà hoặc mượn nhà giữa chủ nhà và chủ hộ kinh doanh phải được ký trực tiếp, không thông qua trung gian.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sao y chứng thực.
2 bản sao y công chứng CMND của chủ hộ và các thành viên (nếu có).
Các chứng chỉ bằng cấp đối với ngành nghề có điều kiện (sao y công chứng).
Trên đây là những nội dung về dịch vụ luật sư tư vấn thành lập hộ kinh doanh cá thể muốn cung cấp đến quý khách hàng. Hy vọng phần tư vấn về vấn đề thành lập hộ kinh doanh cá thể trên đây sẽ hữu ích với bạn.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong mọi lĩnh vực tư vấn đăng ký doanh nghiệp chúng tôi hiểu được rằng chỉ đọc qua quy định pháp luật thôi là chưa đủ, vậy nên bạn cần được tư vấn về những quy định pháp luật được hiểu như thế nào là đúng nhất, tránh hiểu sai lệch và thực hiện sai những dụng ý của nhà làm luật.
Vậy nên gọi đến tổng đài tư vấn thành lập hộ kinh doanh cá thể là rất cần thiết để gặp Luật sư tư vấn trực tiếp và yêu cầu cung cấp dịch vụ hoặc gửi thư về địa chỉ Email
Chúng tôi mong rằng sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp hơn nữa để chúng tôi được ngày càng hoàn thiện hơn.